Truyện tình ở trang web TruyệnNgônTình.net tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, với nhiều thể loại hấp dẫn. Cùng nhau đắm chìm trong cảm xúc của tình yêu nào các bạn ơi!
Truyện tình » Truyện dài - Tiểu thuyết » Mùi vị quê hương » Phần 35

Mùi vị quê hương

Phần 35

Đánh ống lươn

Quê mẹ tôi ở Cẩm khê, Phú thọ. Trong ký ức nhỏ nhoi mờ nhạt, hình ảnh quê ngoại đọng lại chỉ là một bến đò, những bắp chân trắng ngần của mẹ, của các bá xắn quần lội sông xuống đò khi tôi còn được bế ẵm trên tay…

Có một dạo gia đình tôi tạm trú xã Trung giáp, Phù ninh, Phú thọ. Mới hơn 10 tuổi, tôi đã tập hợp lũ trẻ trâu nghịch ngợm, phá phách. Cái gốc quê như bản năng thường trực gặp cảnh, gặp người dân chân chất, hiền lành vụt trỗi dậy. Tôi bỗng nhận ra mình là người của nơi ấy.

Nơi tôi tạm trú là một vùng trung du bạt ngàn đồi cọ. Không hẳn là “rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt” như nhà thơ Tố Hữu đã kể, nhưng phải công nhận phong cảnh ở đây rất đẹp. Uốn mình men theo những chân đồi là con suối nhỏ ngoằn nghoèo. Ruộng bậc thang lớp lớp nối nhau, dân gọi là ruộng bềnh. Mỗi lần lội xuống, chân tôi cứ lún dần, lún dần, bùn đen sâu, bám mút chặt, bập bềnh thật…

Chỉ hơn tháng hè lang thang với bọn trẻ con mò cua, bắt ốc, đơm cá, giật cọ… tôi phát hiện trò hay nhất của đám trẻ địa phương là đánh ống lươn. Sau vài buổi đi theo chúng, tôi bắt đầu triển khai ý đồ tự tổ chức cho đám trẻ tạm trú đánh ống lươn.

Xe chở nứa, vầu của cơ quan vài ngày lại tập kết gần nhà. Lân la hỏi xin mấy chú tài không được, tôi rủ thằng em, tối mò ra xe rút trộm mấy cây vầu, giấu sau nhà. Đi học về, anh em tôi bỏ cả ngủ trưa, mày mò “chế tạo vũ khí”. Chặt tre, chẻ nan đan hom, cưa ống vầu, vào bếp than tập thể nung đỏ dùi, dùi lỗ. Sau mấy ngày miệt mài, hai anh em bắt đầu sở hữu tài sản riêng đầu tiên trong đời là bộ ống đánh lươn, một công cụ đánh bắt lươn chuyên nghiệp. Sướng phát điên.

Ông bà già mải công việc, mấy chị em tự quản. Chiều chiều, hai thằng lấy cuốc, chọn chỗ đất ẩm, nhiều vết đất đùn, cạnh giếng nước hoặc bờ ao đào giun.

Giống giun xoăn to hơn giun đỏ mắc mồi câu cá. Thả giun trong ống bơ, lẻn vô bếp trộm muối ăn bỏ vào, giun giãy tung tóe, nhớt nhèo nhèo, xoắn dính nhau, rồi nằm thẳng cẳng, tanh ngòm.

Xẩm tối, hai anh em cởi trần, gánh hơn chục ống lươn cao hơn đầu người, lấy giun quệt vào miệng hom, nhét xác giun vào ống, ra đồng. Bọn trẻ địa phương làm thế nào, tôi thao tác y thế. Vục nước vào ống, xóc xóc mấy cái, vẩy nước dọc bờ cho có mùi, bắt đầu thả.

Khoảng hơn tiếng lụi hụi, rải ống, phủ cỏ che phần đáy ống nổi trên mặt nước để nguỵ trang, xong xuôi về nhà vừa tối. Đêm đầu, thao thức suốt, không ngủ được chờ sáng. Sốt ruột, tò mò và sợ ngủ quên. Sợ sáng không kịp ra thu ống lươn trước giờ dân làm đồng, nhỡ nổi máu tham lấy mẹ mất cả ống, lẫn lươn.

Tờ mờ sáng, anh em tôi đã chui khỏi màn, đạp sương dò dẫm ra đồng. Ống lươn ngâm nước qua 1 đêm, nặng trịch. Thu gom xong, tìm bãi cỏ rộng, xóc hết nước, mở hom, thả lươn. Ống nhiều, vài con. Ống ít, 1, 2 con. Có ống xóc hết nước nhẹ bẫng, đổ ra chỉ thấy xác giun. Khi thoảng, có con rắn nước phi ra, chạy loằng ngoằng, sợ té cả đái.

Bắt lươn muốn khỏi tuột, phải dùng ngón giữa, kẹp cổ. Những chú lươn thu được trong trận đầu với anh em tôi thật tuyệt vời.

Sau vài trận, tôi phát hiện ruộng nào nhiều lươn, cải tiến kỹ thuật làm mồi, tăng số lượng ống. Đánh lươn lúc đầu là trò chơi, sau như nghề tay trái của anh em tôi. Nguồn chất đạm chủ lực của gia đình trong hơn 2 năm tạm trú gian khổ, thiếu thốn ở Trung giáp chính là lươn, cua cá do trò nghịch ngợm của 2 thằng.

Một kỹ thuật cực quan trọng chỉ anh em tôi biết không phổ biến là việc dụ lươn. Trước khi cố định miệng ống chìm 1/3 dưới bùn, tôi dùng 3 đầu ngón tay vẽ 1 đường ngoằn ngoèo ở cửa miệng ống giống như là một đường đã trườn của lũ lươn. Lũ lươn để bị lừa, theo nhau chui vào ống. Năng suất của những trận đánh sau oách hơn hẳn từ khi tôi dùng mẹo này.

Nhà tôi có cái bể nước bằng xi măng cốt thép, bị cụt một chân. Suốt những năm tạm trú, mấy lần chuyển nhà, lần nào mẹ cũng mang theo. Cái bể này, hồi đó thành bể nuôi lươn. Tôi ra đồng, xách mấy xô bùn đổ hơn nửa bể. Mỗi lần đánh lươn về, con to thả vào bể để dành chờ ông già. Con nhỏ, mấy chị em ăn suốt cả tuần.

Món cha tôi thích nhất là lươn om với củ chuối, bi chuối và giềng mẻ. Cha tôi bảo, củ chuối là đặc sản của Thái bình. Ngày xưa đói quá, củ chuối đã từng giúp nhiều gia đình sống sót sau nạn đói.

Cha tôi là người hiếu khách và thích uống rượu. Ông uống rượu suốt từ trẻ cho đến lúc nằm trên giường bệnh. Khách từ Hà nội lên làm việc, Ông mời hết về nhà ăn cơm, uống rượu. Dẫn khách ra vườn, Ông chỉ bể chứa lươn, tự hào bảo, 2 thằng con tôi đánh đấy.

Lươn dễ ăn, làm được nhiều món. Những món thường nhất là cuốn lá lốt nướng, băm chả xương xông, kho nục với trám đen, nấu măng, nấu cháo…

Lươn cá giờ nuôi rất nhiều, khá rẻ. Vào Nghệ an, gọi bát cháo lươn là sai, phải gọi ngược, vì lươn luôn nhiều hơn cháo.

Sau nhiều năm sau, cả nhà tôi có dịp trở lại Trung giáp, cảnh núi đồi thơ mộng, hùng vĩ thuở nào không còn nữa. Rừng xà cừ cổ thụ, rặng chò chỉ thẳng tắp, những đồi cây mỡ bạt ngàn bị chặt hết rồi. Loang lỗ đồi trọc, khe suối khô cạn, nền nhà cũ giữa rừng cây chỉ còn lại một bãi đất khô cằn. Cả tiếng chim kêu “bắt cô trói cột” nao lòng xưa giờ cũng không còn được nghe…


Bắt chạch

Tháng tám, khi lúa bắt đầu trỗ, cũng là lúc mọi giống khác bắt đầu lo về “nạn nước”. Hạt lúa vừa căng sữa, người ta rút nước ruộng đi một cách từ từ, chỉ để lại mức ẩm vừa phải trên chân lúa cho lúa cứng cây và làm hạt. Nước rút đến đâu, mọi giống thuỷ sinh trong ruộng dồn dần vào góc ruộng trũng nhất đến đấy. Có thửa, chỉ một vũng nước đục ngầu mà lúc nhúc hàng giỏ đủ các loại cá, tép…

Nhà quê có từ “cá ròn” để chỉ những góc ruộng này. Chẳng khó gì, chỉ đôi tay không có bữa bắt được hàng cân cá. Có thửa khi kiệt nước không ai để ý, cá chết phơi bụng la liệt. Chỉ riêng giống chạch là không hề gì nhờ khả năng sống đặc biệt, lúc nước cạn là lúc chúng chui sâu dưới đất hàng gang tay, nằm im dưới đó, chỉ giao tiếp với bên ngoài bằng cái lỗ nhỏ như đầu cuộng rơm và cứ thế sống hàng mấy tháng trời trong đất ẩm, đến mùa đổ ải mới lại ngoi lên…

Mùa gặt tháng mười cũng là mùa bắt chạch đồng. Lúc lúa mới trỗ chẳng ai bắt chúng vì không thể sắn tung cả góc ruộng lúa lên. Gặt rồi thì tha hồ, mặt ruộng cứ phơi lồ lộ. Đám trẻ con ở trường về buổi trưa, ăn vội miếng cơm là thắt giỏ, vác cuốc ra đồng. Với những góc ruộng đã se mặt, chúng dùng cuốc để “truy nã” loại cá “có họ với lươn” này. Trông chúng bắt chạch mà mê. Xéo xuống một nhát cuốc, thấy miếng đất ruộng đẹp như một nhát cắt cái giò lụa, trên đó lộ ra có khi đến hai ba lỗ chạch bằng đầu đũa, nhẵn thín.

“Giò lụa luộc chín, chiếc nào hút lỗ chạch là giò ngon”. Nghe các nghệ nhân làm giò làng Ước Lễ (Hà Nội) nói vậy, giờ nhìn mới thấy hút lỗ chạch là thế nào. Thấy lỗ rồi, cứ thế luồn ngón tay cái vào lỗ mà lật đất lên. Lỗ chạch càng xuống càng to. Chạm cá rồi, ngón tay trỏ hất mạnh một cái, con chạch bật lên, vàng ươm, giẫy đành đạch. Tôi giơ tay chộp, nhưng năm sáu lần không xong, da con chạch trơn quá.

Thấy vậy, thằng cháu hơn mười tuổi phải “làm mẫu” cho tôi xem. Chỉ dùng một ngón tay cái quặp vào đoạn giữa con chạch mà nó bắt ngon ơ. Tôi làm lại, vẫn không được. Mới hay làm gì cũng phải “có nghề”. Gặp những lỗ sâu, ngón tay trẻ luồn không hết, thì phải cuốc tiếp. Lỗ sâu là chạch “cụ” đấy. Phải cuốc rất khéo để lưỡi cuốc khỏi bập vào làm đứt đôi hay mất phần đuôi chạch. Con chạch “cụ” bằng ngón tay trỏ người lớn, dài ngót gang tay.

Với những góc ruộng còn bùn nhão, chúng chẳng cần dùng cuốc, cứ thế hai tay sắn từng tảng bùn hất lên. Chỉ sắn một nhát đã thấy con chạch lộ ra. Nhiều con “ngoan cố” còn luồn trong bùn nhão, phải hai ba nhát sắn mới lôi được chúng ra. Với những thửa ruộng hay mương nước còn lấp xấp, nhiều đứa có “sáng kiến” đem theo cả ắc quy điện. Sục điện vào, lũ chạch bị điện giật vọt thẳng lên, chẳng cần xắn hay cuốc xới gì cả. Tôi bảo:

– Làm thế, cá chết hết mất.

– Không sao bác ạ. Giống này sống dai lắm. Chỉ một lúc là nó hồi thôi.

Theo đứa cháu đi bắt chạch từ một giờ chiều đến sẩm tối, khi cái giỏ đã nằng nặng, bác cháu tôi mới về. Đến đầu làng, đã thấy hai ba cái xe máy đứng đợi. Trên mỗi xe là cái sọt lót ni lông đã đổ nước lưng lưng. Những người buôn cá chạch. Rất nhanh, thằng bé hạ giỏ xuống. Cũng rất nhanh, những người buôn này đổ giỏ chạch của chúng ra cái rổ nhựa đã mang sẵn theo, lựa những con ngon, con to rồi cân, rồi xỉa tiền.

Trông họ làm cứ thoăn thoắt. Những con chạch to, chạch ngon ấy trở thành những món chạch rán giòn, chạch xào sả ớt, chạch om, chạch bung, chạch kho tộ… trong những nhà hàng sang trọng trong các thành phố, thị xã, với giá lên đến năm sáu chục ngàn một đĩa, còn mớ tiền lẻ hơn chục ngàn đồng trở thành sách vở, thành cả áo Tết cho những đứa trẻ nhà nghèo. Về đến nhà, trong giỏ của cháu tôi chỉ còn độ dăm lạng toàn những con “chạch loại”, hiếm hoi lắm mới có con bằng gốc đũa. Phần lớn là loại chạch bằng cuộng rạ hay bằng đầu đũa ăn cơm. Mẹ nó chửi:

– Tiên sư mày. Hôm nay có bác về, sao mày không để cả lại. Bác ở thành phố, bác ăn làm sao được những con chạch ranh này.

Tôi vội gạt đi. Ở thành phố, tôi cũng mấy khi được ăn loại đặc sản này, vì giá của nó hiện đã đến sáu bẩy chục ngàn một cân. Mỗi ngày trong thời “sống chung với lạm phát” này, bữa ăn nhà tôi lại đạm bạc thêm bởi giá cả leo thang vùn vụt. Bây giờ, mỗi lần muốn mua một con cá, vợ tôi cứ phải đứng bên hàng cá cả tiếng đồng hồ, chờ có con nào trong chậu cá không chịu nổi, phềnh bụng lên, hết ngáp hẳn mới dám hỏi mua. Vì những con cá ấy, giá chỉ bằng một nửa hoặc hai phần ba giá những con đang sống. Thị bảo:

– Tuy cá chết nhưng mà còn tươi nguyên, ăn chẳng việc gì sất.

Mua cá kiểu ấy mãi đến nỗi mấy chị hàng cá quen mặt, mỗi lần nhà tôi đi qua lại gọi “có cá chết đây này”…

Mùa cày ải, thợ cày nào cũng dắt bên hông cái giỏi tre hay treo bên cày cái ống nứa rỗng một đầu. Những đường cày có khi phải dừng hàng chục lần. Cày trâu thì họ trâu, cày máy thì hãm máy, để cho thợ cày bắt những con chạch vừa theo lưỡi cày lật lên… Chiều về, người vợ đón giỏ chạch từ tay chồng, trút luôn đám cá vào bếp gio. Cá giẫy, gio bếp bắn tung lên, dăm mười phút sau mới im hẳn. Lại bốc cá lên đem rửa.

Gio bếp làm chạch hết nhớt. Lát riềng xuống đáy niêu đất, xếp cá lên trên, nêm mắm muối và lại xếp thêm một lớp riềng nữa. Đổ xâm xấp nước, đặt niêu cá vào bếp, đổ rổ trấu lên rồi đốt. Đến bữa cơm chiều thì niêu cá chạch đốt bếp trấu cũng khô rang. Mở vung ra, mùi chạch kho riềng thơm điếc mũi. Bên niêu cá chạch và nồi cơm gạo mới, người chồng nhâm nhi chén rượu, vợ và lũ con hễ hả đơm đơm bới bới…

Tags: , , ,

Bình luận

Có thể bạn cũng muốn đọc

Thể loại

Top 10 truyện hay nhất