Truyện tình ở trang web TruyệnNgônTình.net tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, với nhiều thể loại hấp dẫn. Cùng nhau đắm chìm trong cảm xúc của tình yêu nào các bạn ơi!
Truyện tình » Truyện ngắn » 1988 tôi muốn trò chuyện với thế giới » Phần 2

1988 tôi muốn trò chuyện với thế giới

Phần 2

Lơ lửng trên cột cờ, tôi khó khăn dịch mông lên chút nữa, thế là có thể nhìn thấy cái phân xưởng. Kiến trúc thời đó có một cái cửa sổ nhỏ xíu trên mái nhà, dường như đã bị bỏ quên từ lâu, những mầm rêu xanh đã bắt đầu mọc, nhìn xuyên qua lớp kính mỏng, có thể thấy những người công nhân đang mải miết làm việc. Họ đang mài thứ gì đó lên một cái bàn dài lớn bằng kim loại, đó hẳn phải là một món đồ vô cùng thú vị.

Tôi còn đang bận rộn với những suy nghĩ của mình thì đột nhiên có một tiếng còi vang lên. Tôi cúi đầu nhìn xuống, không thấy gì cả… vì không gian bên dưới đã bị chân tôi che khuất, nhưng tôi đã nghe thấy giọng của thầy Lưu dạy thể du͙c, ông ấy hoảng hốt: Em kia, em kia, đừng động đậy, chúng tôi sẽ lên cứu em ngay.

Tôi chợt phát hiện ra rằng thực sự mình cũng không thể động đậy gì được nữa, chỗ tôi đang đứng có độ cao tương đương với một tòa nhà 4 tầng, và cũng chẳng thể nào nhảy xuống cái cầu trượt cao ngang với tòa nhà 2 tầng. Hai lòng bàn tay tôi bắt đầu ướt mồ hôi, nếu không nhanh tay bám chặt vào cái móc của sợi dây thừng trên cột cờ, chắc hẳn tôi đã rơi tự do. Rất nhanh sau đó giáo viên trường tôi đã rầm rập chạy đến, mang theo tất cả các loại nệm nhảy cao, nhảy xa tập trung lại phía dưới tôi, thầy Lưu có trách nhiệm trấn an tinh thần, bảo tôi bám thật chặt, đừng có sợ hãi, nhà trường đang lên kế hoạch ứng cứu.

Tôi như chết đứng trên cột cờ, mồ hôi càng lúc càng vã ra như tắm, chân đã bắt đầu cứng đờ tưởng như không trụ nổi. Tôi nhìn về phía khu lớp học, phát hiện ra đám học sinh bắt đầu nhốn nháo do các giáo viên đang lo khiêng nệm cứu tôi, dọc hành lang tòa nhà sáu tầng, học sinh các lớp ùa ra lố nhố những cái đầu đen và những bộ cánh đủ màu.

Giáo viên chủ nhiệm lớp tôi chăm chú quan sát những cái nệm rồi nói nhỏ: Thế này chưa đủ dày, vẫn nguy hiểm lắm.

Thầy Lưu động viên: Nếu thằng nhóc này rơi xuống thì tôi sẽ đỡ được nó.

Từ đâu đó chạy lại một cậu bạn cũng muốn tham gia vào công cuộc cứu hộ này, vứt cặp sách của mình lên trên tấm nệm. Chưa đầy một phút, khu lớp học rộ lên những tiếng hô nháo nhác: Lấy cặp sách cứu người, lấy cặp sách cứu người đi! Ngay tức thì, cả đám học sinh bất kể nam nữ ồ ạt ôm cặp chạy đến. Hồi đó trường tôi mỗi khối có bốn lớp, mỗi lớp có 50 học sinh, tổng cộng có sáu khối, tất cả là 1200 học sinh, tập trung lại là có 1200 chiếc cặp, trong vòng chưa đầy năm phút đã được chất đống lại. Đống cặp đó cũng phải chất cao đến hơn ba mét. Hơn 1000 học sinh đứng vây quanh khuôn viên khu sân chơi trẻ em, đài phát thanh của trường ra rả như ve kêu: Yêu cầu các em học sinh nhanh chóng quay trở lại lớp học của mình. Thế nhưng hình như chẳng đứa nào nghe thấy.

Các giáo viên đang đứng quây lại thành vòng tròn để thảo luận, thầy thể du͙c thấy rằng cặp sách có cái mềm cái cứng nhỡ ngã xuống, đầu mà đập vào hộp bút thì quả là bi kịch, vì vậy tốt nhất vẫn nên phát huy tác dụng của những tấm nệm. Thế nhưng bây giờ những cái nệm đã bị lấp ở tít phía dưới cùng rồi, làm sao mà phát huy tác dụng, tốt nhất là lôi chúng ra và đặt lên phía trên.

Lúc này giáo viên chủ nhiệm của tôi không ngừng hét lớn: Em bám chặt lấy, thầy cô đang cố hết sức để cứu em, đừng nhìn xuống, hãy nhìn về phía trước mắt, ngắm nhìn phong cảnh, ngắm nhìn thị trấn, đừng nghĩ là mình trên cột cờ em sẽ cảm thấy thoải mái như đang ở nhà, đừng lo, em sẽ cảm thấy như đang nằm trên ghế sofa, em đã cảm thấy chưa?

Thực sự là tôi chẳng thể nào cảm nhận được điều đó. Nhưng thực lòng tôi cũng chẳng thấy hề hấn gì. Gió thổi càng lúc càng mạnh, cột cờ bắt đầu hơi rung nhẹ, tôi thì vẫn đang lắc lư tại nơi cao nhất. Cả trường xúm xít chạy lại xem, cả bác bảo vệ, cả cô lao công. Nhưng tôi vẫn cảm thấy rất lạ, trong cái phân xưởng kia, nơi cánh cửa lớn lúc nào cũng đóng chặt, những người công nhân vẫn mải miết làm việc, hình như có ai đó thoáng ngẩng đầu lên nhìn tôi, rồi lập tức cúi xuống tiếp tục những công việc còn dang dở. Trong khi ngoài này đang xảy ra những chuyện trọng đại thế, mà sao họ vẫn có thể dửng dưng, rốt cuộc là họ đang làm gì vậy?

Trở thành nhân vật trung tâm vũ trụ, tôi dường như đang bắt đầu kiệt sức. Giáo viên chụm đâu to nhỏ bàn bạc, lũ học sinh thì đứng bên ngoài quan sát, mắt tôi lúc đó có vẻ vẫn nhìn rất tốt, trong cái đám đông đang rộn ràng, nhốn nháo vì tôi kia, tôi vẫn nhìn thấy được một người. Sao trước đây tôi chưa bao giờ nhìn thấy cậu nhỉ, cậu học lớp nào vậy, ánh mắt cậu ngước lên nhìn tôi thật đẹp biết bao, mặc dù ở tít trên cao như thế này, nhưng tôi hoàn toàn bị cậu thu phục, đợi đến khi xuống đất, tôi nhất định sẽ đi tìm cậu. Cô gái trong chiếc áo sơ mi kẻ sọc màu hồng, chiếc váy xanh lam, tóc buộc đuôi ngựa, không đeo kính, cái cách cậu ngước lên nhìn tựa hồ như ngón tay tôi đang khẽ nâng chiếc cằm của cậu, ánh mắt tròn xoe nhìn tôi như thể tôi khẽ vén những sợi tóc đang bay lòa xòa trước trán cậu. Cậu ơi, tôi yêu cậu mất rồi. Đây là lần đầu tôi có cảm giác yêu, nhưng không nghĩ nó sẽ xảy đến lúc này, khi đang bị treo lủng lẳng trên cột, hơn nữa tôi còn đang bị bọc trong lá cờ nữa chứ.

Ánh mắt tôi cứ chăm chú hướng về phía cô bạn ấy, tim đập thình thịch.

Phía dưới, thầy giáo đang lôi cái nệm đè lên đống cặp sách, vì phải cố sức rút cái nệm ra nên chồng cặp sách bị xô lệch, điều này khiến đám học sinh có vẻ không mấy hài lòng, cho rằng thầy cô giáo quá ích kỷ, chỉ muốn đặt đồ của mình lên trên. Thầy thể du͙c ngước lên nhìn tôi hỏi ân cần: Em nhảy xuống thế này liệu có bị đau không?

Tôi nhận thấy một thực tế là, đám đông kia sau một hồi nỗ lực hết mình, hoặc thực tâm muốn cứu tôi hoặc hiếu kỳ, thì cuối cùng cũng đã cùng nhau cho ra đời một tác phẩm, giống như chuyên gia vũ khí đang chăm chú theo dõi trận chiến, họ hẳn đang mong ngóng cái giây phút tôi rơi xuống từ trên cao, để thử nghiệm thành công sản phẩm của họ. Nhưng chẳng hề để ý đến những điều ấy, tôi chỉ quan tâm đến cô bạn gái kia, bạn ấy được bao quanh bởi đám đông đang chen chúc nhìn ngó, khiến tôi không phút nào có thể rời mắt khỏi hệ thống nhận diện khuôn mặt và chỉnh nét tự động của tôi vẫn đang hoạt động với tốc độ tối đa, mỗi ánh nhìn của cô bạn ấy đều tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Mặc dù tôi biết rằng, đó chỉ là sự gặp gỡ của một ánh nhìn trong hàng trăm ánh nhìn, những con người đang hiện hữu ở dưới đất kia, chắc cũng nghĩ rằng tôi đang nhìn họ, nhưng chẳng phải thế, ánh mắt của tôi chỉ dành cho duy nhất một người.

Trong ký ức của mình, tôi nhớ rằng bạn ấy đột nhiên quay người đi mà không biết vì sao, phải chăng vì cảm nhận được sức nóng tia nhìn của tôi? Tôi vươn tay ra, như muốn vượt cả khoảng không mấy chục mét níu giữ bạn ấy lại. Ahhh! Và tôi rơi xuống.

Cảm giác cả cơ thể mình rơi vào không trung của ngày hôm ấy, tôi đã quên sạch từ lâu. Trong tích tắc chỉ đủ cho một hơi thở, tôi đã rơi, xung quanh tôi vang lên những tiếng hò reo, và rồi cái khoảnh khắc chạm vào cặp sách đó, hai mắt tôi bỗng tối sầm lại. Tôi bị ngã vào khoảng tiếp giáp của hai tấm nệm, rơi trúng cái cặp sách, tôi chỉ kịp nhận ra phần góc của quyển sách đã chọc thẳng vào cậu bé của mình đau điếng. Đó là chiếc cặp sách hình siêu nhân màu vàng, trên đó là bức ảnh thần tượng của tôi… Chim bất tử Ikki. Tôi cố chịu đau và lôi quyển sách ấy ra, đó là quyển sách giáo khoa cao cấp, rồi lại nhét vào trong, nắm chặt chiếc cặp sách trong tay, chú chim Ikki trừng mắt nhìn tôi, thật sự là nó đang trừng mắt nhìn tôi, hai ánh nhìn đã giao nhau. Sau đó tất cả những âm thanh tôi nghe được mỗi lúc một nhỏ, mỗi lúc một nhỏ, cảm giác bụng và ngực mình như bị tức nghẹn, thầy cô giáo xúm xít quanh tôi, thầy Lưu dạy thể du͙c và cô chủ nhiệm lớp chạy đến bên tôi đầu tiên. Cô ôm tôi vào lòng, lo lắng hỏi: Em nói gì vậy, em nói to lên một chút, em đang nói gì, nói to lên, nói to lên.

Tôi cố gắng gượng chút sức lực thốt ra được ba từ, ba từ mà tôi đã ấp ủ và muốn được thổ lộ cùng cô bạn ấy. Trong đầu tôi giờ chỉ có hình ảnh của bạn ấy, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm nhận được sự kỳ diệu của tình yêu, nó khiến tôi vượt qua được nỗi đau thể xác. Tôi níu cổ áo cô giáo chủ nhiệm, lẩm bẩm mãi ba từ: Chim bất tử.

Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong trạm xá xã. Bên cạnh đặt một tờ báo “Bộ mặt nông thôn”. “Bộ mặt nông thôn” là tờ báo mà nhà văn hóa xã Đình Tân chúng tôi xây dựng, ở trang thứ tư của tờ báo có đề mục rất lớn “Trường tiểu học xã Đình Tân – học sinh trèo lên cột cờ, giáo viên học sinh toàn trường cùng đoàn kết ứng cứu”, lời tựa của bài báo viết rằng:

Tin từ phóng viên báo: Một em học sinh lớp 5D ngày hôm qua đã bất cẩn trèo lên cột cờ trung tâm trường tiểu học, không thể xuống được, toàn bộ giáo viên và học sinh tích cực tổ chức công tác cứu hộ, tổng cộng đã sử dụng 36 chiếc đệm, hơn 1.000 chiếc cặp học sinh, thành công cứu được mạng sống của em học sinh. Em học sinh sau khi được giải cứu đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các giáo viên.

Tờ báo còn đăng kèm thêm một bức ảnh, người trong bức hình không ai khác chính là tôi đang trèo lên cây hóng gió. Tôi nhìn vào chữ ký trên bức hình, chết tiệt, hóa ra là thằng bạn cùng lớp, nó thuộc nhóm nhiếρ ảnh của trường, hóa ra khi tôi đang lơ lửng trên cột cờ, thì nhóm nhiếρ ảnh bọn nó lấy tôi làm cảm hứng để thỏa sức sáng tạo, lẽ nào tôi có sức hút đến vậy sao?

Ba ngày sau, tôi đi học trở lại. Dù sao cũng chỉ là chút chấn động nhẹ. Tôi bước chân vào trường, bỗng dưng dấy lên cảm giác mặc cảm, dường như tất cả mọi người ở đây đều là ân nhân cứu mạng của tôi. Đó là chuyện đương nhiên, lũ học sinh đang chăm chú nhìn và bàn tán rôm rả về tôi, gọi tôi là con khỉ leo trèo. Mà tôi vốn chúa ghét cái lũ mõm nhọn đít đỏ ấy. Nhưng thực lòng tôi cũng chả mấy quan tâm, điều tôi trăn trở lúc này là cô bạn ấy, tôi đang kiếm tìm, tôi đang băn khoăn, không biết là bạn ấy ở khối nào, lớp nào, dãy nào, bàn nào nhỉ?

Đang lúc cảm xúc dào dạt, thì dòng hồi ức bỗng nhiên ngắt đoạn, tôi bị kéo trở lại hiện thực trần trụi. Cánh cổng lớn màu xanh từ từ mở ra, một con xe bảy chỗ lao ra, bên trong hẳn phải là một vị lãnh đạo to lắm. Nó nháy đèn xi nhan bên phải nhưng lại rẽ về bên trái. Tôi chợt nhớ đến 1988,1988 của tôi hẳn vẫn còn đỗ ở khách sạn Tam giác vàng. Tôi vẫy một chiếc xe đa năng màu vàng chở khách kiêm chở hàng để quay trở lại. Lão tài xế đòi tôi 10 tệ, cái giá này thực tế cũng hợp lý, nhưng khốn nỗi tất cả túi của tôi để cả ở phòng, vét sạch trên người chỉ còn lại 6 tệ. Tôi hơi ngập ngừng: Bác tài, tôi thiếu 4 tệ, bác cho tôi đi được không?

Lão tài xế bảo tôi: Được, nhưng anh chỉ được ngồi ở thùng xe.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Tại sao? Chẳng phải ghế bên cạnh ông vẫn còn trống sao?

Lão tài xế này có vẻ là người rất thực tế, ông ta thuyết phục tôi: Anh ngồi trên xe nhưng tiền lại không trả đủ tôi thấy trong lòng không thoải mái, anh ngồi thùng xe, tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, đây là chiếc xe vừa để chở khách vừa để chở hàng, tiền anh không có đủ, thì anh không thể là khách được, anh chỉ là hàng hóa thôi.

Kẻ được gọi là hàng hóa như cái thằng tôi, đứng đằng sau thùng xe, tay bám vào lan can, nghênh ngang nhìn ngắm cái phố huyện này, gió xuân ấm nồng. Tuy rằng mặt vẫn còn đau, nhưng tôi vẫn có thể huýt sáo, và cho dù bên cạnh tôi có lan can sắt nhưng tôi vẫn có thể tung người nhảy lên một cái, thật tự do biết bao.

Dù bây giờ chỉ là hàng hóa, nhưng mười phút nữa thôi, khi lấy được tiền rồi, thì tôi lại trở thành hành khách. Chỉ cần không làm chậm trễ chuyến hành trình của mình. Tôi phải xuất phát từ đây, men theo quốc lộ 318, đi đến tận cuối con đường. Đừng tưởng rằng, đây chỉ là một chuyến đi du ngoạn vô bổ, và cũng đừng ví tôi chỉ như một cái cây không rễ, rễ của tôi đã ăn sâu vào mảnh đất này. Tôi từng nghĩ mình là một hạt giống, bị gió mùa thổi qua thổi lại, nhưng cuối cùng lại nhận ra rằng tôi chỉ là một loài thực vật thân liền với gốc, thậm chí tôi là loại thực vật nào, tôi cũng chẳng nhận ra, cái này phải hỏi những loài thực vật khác, tôi cứ nay đây mai đó thế này bởi tôi nghĩ bản thân mình cắm trong đất sét nhưng thực chất lại là trong cát lún.

Nhiều năm nay, cát dưới chân luôn bao bọc quanh tôi, nó không nhấn chìm tôi, chỉ luôn luôn nhắc nhở tôi rằng, anh không có sự lựa chọn nào khác, hoặc anh sẽ bị gió cuốn đi. Vậy là tôi cứ trải qua những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết một cách lãng phí như vậy, nay Đông mai Tây, thậm chí không bằng cả những hạt giống mà tôi đã từng xem thường.

Cho đến một tuần trước, tôi nói với cát lún, hãy để gió cuốn tôi đi.

Cát bảo tôi: Anh không có rễ, anh sẽ chết ngay thôi.

Tôi nói với cát: Tôi đã dự trữ đủ nước, sẽ sống được một thời gian.

Cát nói: Nhưng gió sẽ giữ anh trên không trung và anh sẽ bị mất nước.

Tôi nói: Tôi vẫn còn có nước mưa.

Cát nói: Nước mưa phải chảy xuống đất thì mới có thể tích tụ thành hồ, khi ở trong không trung thì nó cũng chỉ là một thứ đồ trang trí mà thôi.

Tôi nói: Tôi sẽ rơi xuống hồ nước cùng mưa.

Cát nói: Vậy thì anh sẽ bị chết đuối đó.

Tôi nói: Hãy để tôi thử xem sao.

Cát nói: Tôi đưa anh vào một cồn cát nhỏ, anh cúi đầu nhìn xem, có rất nhiều những loài thực vật giống như anh, đều phải dựa vào chúng tôi.

Tôi nói: Vậy thì hãy đưa tôi lên cao hơn một chút, để tôi được nhìn ngắm mọi loài thực vật trong đất trời này, xem liệu chúng có đang sống như chúng ta không.

Cát nói: Anh không thể chống lại tôi được đâu. Tôi sẽ nhấn chìm anh ngay.

Tôi nói: Vậy tôi sẽ để gió Tây cuốn đi.

Thế là tôi cố sức vùng vẫy, dù thực ra cũng không mấy tốn sức. Tôi rời khỏi cát, nhìn xuống dưới chân mình, tệ thật, thì ra tôi không phải thực vật, tôi là một loài động vật, cái tên khốn này đã lừa tôi suốt hơn 20 năm rồi. Là một loài động vật có chân, cuối cùng thì tôi cũng có thể quyết định được phương hướng của mình. Tôi quay đầu lại nhìn cát, cát nói: Anh đi đi, và đừng nói với những loài thực vật khác, rằng thực ra họ là động vật.

Tôi phải đi tìm mục đích của tôi. Tôi phải đến đó để hỗ trợ các anh em của tôi.

Xe đã đưa tôi quay trở lại Tam giác vàng, 1988 hình như càng dùng lâu càng mới, đỗ bên ngoài suốt một đêm mà nó không dính một hạt bụi nào. Không biết tại sao, trên đường nhan nhản đầy xe cũ giống thế này, vậy mà chiếc xe của tôi dường như luôn tỏa ra một sức hút đặc biệt. Tôi đã đỗ nó bên cạnh một chiếc xe du lịch cùng loại khác và quan sát rất kỹ, có lẽ so sánh với chiếc xe đó sẽ thích hợp hơn, nhưng hai chiếc xe này thật sự là giống nhau, tôi nghĩ rằng đây có lẽ là sức mạnh của tinh thần. Đánh chén xong bữa trưa, tôi bước ra ngoài, lấy chìa khóa mở nhầm cửa xe, khi ấy mới biết hóa ra đó là sức mạnh của sự thiên kiến. Cho dù thế nào thì tôi vẫn thích chiếc 1988. Tôi khởi động xe, bộ chế hòa khí của nó cực tốt, một giọt dầu cũng không hề bị rò ra. Tôi lái chiếc 1988, quay lại con đường cũ, đến trước cửa, dừng lại và chăm chú quan sát từng người đi ra, cứ thế cho đến khi mặt trời đã khuất hẳn, tôi vẫn không thấy bóng dáng cô ấy đâu. Tôi nghĩ, nếu theo đúng nguyên tắc của hình phạt, thì tôi là một khách làng chơi bị đánh thương tích nhưng không có được bằng chứng, bọn họ hẳn rất ấm ức khi phải thả tôi ra, bọn họ liệu có tăng nặng hình phạt đối với Điền Phương, San San không. Tôi mở cửa bước đến phòng bảo vệ, nói rằng: Tôi đang muốn tìm người, người phụ nữ đã vào cùng với tôi, cô ấy đang mang thai.

Ông bảo vệ hỏi tôi: Tên gì, đang ở phòng nào?

Tôi nói: Tôi cũng không biết.

Ông bảo vệ nói tiếp: Cái cô bị bắt cùng với anh à, thế thì bây giờ vẫn đang trong thời gian thẩm vấn, anh không vào thăm được đâu.

Tôi hỏi lại: Vậy làm thế nào tôi mới vào thăm cô ấy được?

Giữa vệt sáng cuối cùng nhập nhoạng, tôi trông thấy cô ấy đang tập tễnh bước ra từ phía trong. Tôi vội chạy lên đón, gọi to: San San.

San San ngước nhìn tôi, sững sờ hồi lâu mới nói: Em là Hoàng Hiểu Na, gọi em là Na Na.

Tôi bảo: Anh đang bị rối loạn thông tin rồi, em làm anh phải nhớ tên những bốn người.

San San nhìn tôi nói: Em là Na Na.

Tôi hỏi: Sao em có nhiều tên thế?

San San nhìn tôi nói: Mẹ anh đặt cho anh cái tên, chả lẽ anh lại dùng nó để đi làm gái sao? Gọi em là Na Na.

Tôi bảo: Ừ, anh gọi em là Na Na.

Na Na ngồi lên xe, chẳng nói lấy một câu. Một lúc sau, cô nàng quay lại hỏi tôi liệu cô nàng có được phép hút thuốc không, tôi bảo cứ hút đi, nhưng cuối cùng cô nàng lại không hút. Cô ấy đập nhẹ cửa xe, hỏi tôi: Anh cũng bị phạt không ít tiền phải không?

Tôi bảo: Khuynh gia bại sản rồi.

Na Na nói: Đáng ra em rất muốn chửi cho anh một trận, ngủ với anh, mẹ kiếp nhà chúng nó, em làm cái nghề này bao nhiêu năm, đây là lần thứ hai vào đây rồi đấy.

Tôi hỏi: Thế lần trước là tại sao?

Na Na lại đập mạnh cửa hơn, nói một cách hào sảng: Cái thời mới vào nghề, định bụng kiếm được khoảng hai vạn thì về quê buôn bán quần áo, nhưng đúng lúc cố bon chen đồng cuối cùng, mà khả năng cũng chẳng phải đồng cuối cùng, nói chung là mấy đồng cuối cùng thì bị bắt, nộp những hai vạn mới được ra, lần này em lại dành dụm được hai vạn, lũ khốn này không biết có phải cấu kết với bọn ngân hàng không, mà hàng ngày soi mói cái thẻ ngân hàng của em, cứ đủ hai vạn thì lại đến bắt.

Tôi thu chân lại một cách vô thức, ngạc nhiên: Em nộp phạt hết hai vạn à?

Na Na cay đắng nói: Không thế thì em bị tống đi cải tạo nửa năm à. Con em trong bụng ba tháng là có thể nghe được rồi, sao để nó nghe những lời của bọn phạm nhân chứ.

Tôi ái ngại: Giờ em không còn hai vạn thì làm thế nào?

Na Na lôi ra chiếc điện thoại, thản nhiên mở máy, bảo tôi: Em đi tìm bố đứa bé.

Tôi nhìn cô ấy một cách nghi hoặc: Sao em có số bố nó?

Na Na nói với tôi: Chỉ có hai người không muốn dùng bao khi quan hệ, thừa lúc họ đi tắm, em lấy điện thoại nháy vào máy em, để nhỡ có chuyện gì xảy ra em còn có đường mà tìm lại họ. Nếu gặp ai em cảm thấy thích, hoặc những tên không thích dùng bao, em đều nhân lúc họ đi tắm, lén lưu lại số của họ. Anh nhìn xem, gọi được rồi này. A lô, phải anh Lưu không ạ? Em là San San, anh có nhớ không? Đúng rồi ạ, bao giờ anh lại đến thăm em? Số điện thoại á, số điện thoại tự anh lưu vào máy em còn gì, anh quên rồi sao? Vâng. Vâng. Để em hỏi cho anh, để em hỏi cho anh nhé.

Nói rồi Na Na dập máy.

Tôi hỏi cô ấy: Sao thế, sao không nói thẳng toẹt ra đi.

Na Na bảo: Nói thẳng ra để dọa cho lão ấy chạy mất dép luôn sao, số điện thoại mà đổi rồi thì có mà tìm đằng trời.

Tôi nghi ngờ: Không thể nào, chả lẽ có người lại từ chối con mình sao?

Na Na nghịch chiếc điện thoại, cay đắng nói: Rất nhiều đấy.

Tôi đang rò rẫm dò kênh trên đài, tò mò hỏi: Lão muốn em hỏi giúp cái gì thế?

Na Na thở dài: Lão nhắn em hỏi giúp, xem có chị em nào mới đến hay không?

Tôi bảo: Vậy thì em cứ bảo là có.

Na Na gật đầu: Đương nhiên.

Na Na lại tiếp tục bấm máy, hình như đầu kia tắt máy, cô nàng quay người hứng sóng, tiếp tục bấm nút gọi lại, được nửa hồi chuông, tín hiệu lập tức bị ngắt. Na Na bật loa ngoài, quay sang hỏi tôi: Anh xem hộ em, cái quái gì thế nhỉ?

Tôi nói: Anh biết rồi, trước đây khi bạn gái anh muốn tránh mặt cũng làm thế, đầu bên kia chỉ có một tiếng chuông, rồi lại báo bận, thằng cha ấy tống em vào danh sách đen rồi.

Na Na ngạc nhiên hỏi tôi: Cái gì cơ?

Tôi trả lời: Hắn cho số điện thoại của em vào danh sách hạn chế.

Na Na đã hiểu ra: À.

Tôi vuốt mái tóc của cô ấy an ủi: Cũng đừng lo lắng quá.

Na Na chửi thề: Thằng khốn nạn, giả mạo chính nhân quân tử, đeo cái cặp kính vào trông rõ là tử tế, rồi tuôn ra toàn những câu đạo đức giả, hắn nói đã khởi nghiệp thành công ra sao, rồi thì làm đàn ông quan trọng nhất là phải có trách nhiệm, thế mà có chuyện cần tìm là lặn mất tăm.

Tôi chỉ định an ủi Na Na vài câu, vô tình lại tạo cho tên kia một lối thoát, tôi bảo: Na Na, em cũng chẳng nói rõ chuyện gì, không chừng vì hắn không muốn chơi bời linh tinh nữa, em gửi cho hắn một tin nhắn, biết đâu có ngày hắn lại đọc được.

Nét mặt Na Na giãn ra, nhìn tôi ngưỡng mộ: Anh giỏi thật, cái gì cũng biết.

Tôi nói: Anh hiểu mà, vì trước đây anh cũng bị bạn gái chặn số, anh gửi tin nhắn và cô ấy đã đọc được.

Trời sinh ra con gái vốn luôn tò mò vói diễn biến của những câu chuyện tình yêu, Na Na tạm thời quên mất nỗi đau mất tiền của mình, quay sang hỏi tôi: Sau đó thế nào?

Tôi bảo: Sau đó mọi chuyện ổn cả, người yêu cô ấy nhắn lại cho anh, bảo rằng hôm nay là kỷ niệm một năm tình yêu của chúng tôi, tình cảm của chúng tôi đang phát triển tốt đẹp, mong anh đừng quấy rầy cô ấy nữa.

Na Na nói: Ôi chao, thế thì chắc là sau đó anh phải buồn thối ruột mất.

Tôi bảo: Đúng vậy, nhưng anh và cô ấy mới chia tay được đúng hai tháng.

Na Na có vẻ đã quên sạch chuyện của mình, háo hức hỏi: Thế anh còn tìm cô ấy làm gì?

Tôi đáp: Cô ấy đã lăn lộn nhiều năm ngoài cuộc sống, quen biết rất nhiều, lúc đó anh có người bạn bị bắt nên muốn hỏi xem cô ấy có quen biết ai không.

Na Na bắt đầu bị cuốn vào câu chuyện của tôi, tò mò hỏi: Bạn anh bị sao?

Tôi đáp: Nó đột nhập vào xưởng hóa chất.

Na Na hỏi lại: Xưởng hóa chất là sao? À à, xưởng sản xuất hóa chất, thế anh ấy vào xưởng hóa chất làm gì?

Tôi bảo San San: Chuyện này dài lắm, để anh kể cho em nghe sau, bây giờ em gửi tin nhắn đi.

Na Na lúc này chợt nhớ ra, nói: Vâng.

Kỳ thực tôi còn lo lắng hơn cô ấy gấp vạn lần, chúng tôi tuy có cùng chung hoạn nạn, nhưng tôi chẳng có tí tình cảm nào với cô nàng, tôi chỉ mong cô ấy giải quyết xong xuôi mọi chuyện của mình, rồi xuống xe. Tôi hy vọng rằng cái gã đàn ông thứ hai mà cô ấy liên lạc có thể giúp được, như thế ít ra cô nàng sẽ không mượn tiền của tôi. Tôi chẳng có cách nào để lôi theo cô ta đi cùng, cô ta đơn giản chỉ là một ả gái điếm mà tôi có thể chuyện trò thêm vài câu trong cuộc hành trình kéo dài của mình.

Chúng tôi dừng xe trước cửa một siêu thị ven đường, tôi đưa cô ấy một trăm tệ và bảo: Na Na, em vào mua một ít đồ ăn, anh đợi em trên xe.

Siêu thị này được xem là một siêu thị lớn ở vùng này, ánh đèn màu sáng trưng, trước cửa siêu thị là tấm bạt hình cầu với đủ thứ màu sắc được treo trên cao, mấy gã thanh niên mình trần, eo thon đang khom người bắn bi – a một cách rất điêu luyện, đối diện là một nhà máy rất lớn.

Na Na cầm tiền, chạy về phía trước khoảng chục mét, rồi bỗng như nhớ ra điều gì, quay đầu nhìn tôi hỏi: Anh muốn ăn gì?

Tôi trả lời: Gì cũng được.

Trong lúc ngồi đợi trên xe, tôi cố gắng dò kênh phát thanh của vùng này, nhưng khốn nỗi những thị trấn nằm ven đường Quốc lộ kiểu này, quanh quẩn chỉ có một tiết mục giống nhau, tôi dò từ kênh 95 đến kênh 109, chỉ nghe thấy thính giả không ngừng gọi điện thoại đến, nếu không thì lại giới thiệu về bệnh lậu, đến một kênh âm nhạc cũng chả có. Khu bàn bi – a đằng kia bắt đầu huyên náo, một gã da ngăm ngăm, để kiểu đầu mái bằng đang cởi thắt lưng, quất vào hai tên đối diện bên kia bàn, xoay thêm một vòng thì cái quần tụt xuống, tức mình gã tụt luôn cả chiếc quần bò, rồi ném thẳng về phía hai tên kia khiến chúng cuống cuồng chạy mất. Gã đầu mái bằng nhặt quần lên, buộc hai ống quần vào cổ rồi đứng phắt lên bàn bi – a, chỉ vào mười mấy tên còn lại và tuôn ra một tràng. Tôi cũng chả hiểu gã nói cái gì, chỉ thấy gã sao mà giống anh trai tôi.

Tôi lại nhớ đến khoảng thời gian sau khi ngã từ trên cột cờ xuống. Trên chuyến hành trình này, tôi định đợi đến khi mọi thứ lắng xuống, sẽ xếp lại những mảnh hồi ức tuổi thơ ấy một cách hoàn chỉnh. Đúng rồi, tôi còn quên chưa kể tôi có một ông anh trai. Là một gia đình kiểu mẫu luôn tuân thủ quy định luật pháp, tôi hẳn là không thể có một ông anh trai ruột, cũng chẳng phải là anh họ, đó là anh hàng xóm Đinh Đinh của tôi. Anh ấy là sinh viên, là tấm gương để chúng tôi noi theo. Hồi ấy, ai cũng thi vào những trường cao đẳng hoặc trung cấp kỹ thuật. Tuần đầu tiên anh tôi đỗ đại học, đám sinh viên cao đẳng, trung cấp ấy cứ xúm xít xung quanh đòi xem giáo trình, để xem anh ấy học cái gì, đại học và trung cấp có gì khác biệt. Anh trai tôi lấy ra hai quyển sách, Nắng tháng tám[2] và Chùm nho uất hận[3] nói: Sách của anh chỉ có bốn trang thôi.

[2] Nắng tháng Tám (Light in August), là tiểu thuyết của nhà văn William Faulkner.

[3] Chùm nho uất hận (The Grapes of Wrath), còn có tên trên bản dịch là Chùm nho nổi giận hay Chùm nho phẫn nộ, là tiểu thuyết của văn hào John Steinbeck, bao gồm 30 chương, phản ánh những biến đổi sâu sắc trong nông thôn nước Mỹ khoảng những năm đầu thế kỷ 20 dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của thời đại công nghiệp hóa.

Tags: , , ,

Bình luận

Có thể bạn cũng muốn đọc

Thể loại

Top 10 truyện hay nhất